Góc kế toán

Chia sẻ kiến thức kế toán - tài chính, kế toán quản trị giúp người đọc nắm bắt và cập nhật các thông tin chính xác và nhanh chóng nhất. Đăng ký nhận tin ngay

Góc kế toán

Các bước lập kế hoạch kiểm toán chi tiết

01:41 Chiều

-

08/10/2021

Lập kế hoạch kiểm toán thuộc một giai đoạn trong cả tiến trình kiểm toán. Đây là công việc có ý nghĩa định hướng và tạo điều kiện cho công việc kiểm toán sau này. Lập kế hoạch đúng đắn sẽ là cơ sở để kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán có giá trị. Từ đó đưa ra đánh giá chính xác về hoạt động của doanh nghiệp.

1. Chuẩn bị cho lập kế hoạch kiểm toán

Các công việc cần thiết để chuẩn bị kế hoạch kiểm toán bao gồm: đánh giá khả năng  tiếp nhận khách hàng, nhận diện các lý do kiểm toán, lựa chọn đội ngũ nhân viên kiểm toán và ký hợp đồng kiểm toán.

1.1. Đánh giá khả năng chấp nhận khách hàng

Kiểm toán viên phải đánh giá xem việc chấp nhận một khách hàng mới hay tiếp tục kiểm toán cho một khách hàng cũ có làm tăng rủi ro cho hoạt động của kiểm toán viên hay làm hại đến uy tín của công ty kiểm toán hay không? Đây là lý do mà công ty kiểm toán cần lựa chọn những nhân viên có kinh nghiệm và trình độ để tiếp cận và tìm hiểu khách hàng.

Đối với khách hàng mới, kiểm toán viên cần: 

Tìm hiểu lý do mời kiểm toán của khách hàng. Thu thập thông tin về các khía cạnh như lĩnh vực kinh doanh, tình trạng tài chính,…

Phải nắm bắt được thông tin về tình hình kinh doanh của khách hàng qua các nguồn khác nhau. Đặc biệt là đối với các công ty cổ phần có niêm yết trên thị trường chứng khoán; những công ty có nhiều công nợ…

Trong trường hợp đơn vị đã có kiểm toán viên tiền nhiệm, kiểm toán viên cần tìm cách thu thập các thông tin hữu ích từ phía các kiểm toán viên tiền nhiệm. Ví dụ như những thông tin về Những thông tin về tính liêm chính của Ban Giám đốc, các bất đồng giữa hai bên (nếu có), lý do khiến họ không tiếp tục cộng tác với nhau,…

Phải rất thận trọng trong các trường hợp như:

  • Khách hàng không đồng ý cho tiếp xúc với kiểm toán viên tiền nhiệm.
  • Trước đây giữa đôi bên đã xảy ra những bất đồng nghiêm trọng, nên các câu trả lời của kiểm toán viên tiền nhiệm bị giới hạn và họ không thể cung cấp những thông tin cần thiết.
  • Qua ý kiến của người tiền nhiệm, phát hiện được một số vấn đề bất thường và trọng yếu.

Với các thông tin thu thập được, đưa ra được đánh giá sơ bộ về mức trọng yếu và rủi ro tiềm tàng trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Để quyết định xem có nhận lời kiểm toán hay không.

Đối với khách hàng cũ, kiểm toán viên cần:

Cập nhật thông tin nhằm đánh giá lại về các khách hàng hiện hữu. Để xem có nên tiếp tục kiểm toán cho họ hay không.

Nghiên cứu xem có cần phải thay đổi nội dung của hợp đồng kiểm toán hay không,… Có những trường hợp, kiểm toán viên cần phải ngưng kiểm toán cho khách hàng. Ví dụ khi đang xảy ra tranh chấp giữa khách hàng và kiểm toán viên. Hay giữa đôi bên đã có sự mâu thuẫn về phạm vi kiểm toán, …

1.2. Phân công kiểm toán viên

Sau khi đã đánh khả năng chấp nhận khách hàng, công ty kiểm toán cần ước lượng quy mô phức tạp của cuộc kiểm toán. Từ đó lựa chọn đội ngũ nhân viên thích hợp để thực hiện cuộc kiểm toán.

Việc lựa chọn này được tiến hành trên yêu cầu về số người, trình độ khả năng. Đồng thời yêu cầu chuyên môn kỹ thuật. Thường se là do Ban Giám đốc công ty kiểm toán trực tiếp chỉ đạo.

1.3. Ký kết hợp đồng kiểm toán

Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam VSA 210 – Hợp đồng kiểm toán: “Hợp đồng kiểm toán phải được lập và ký chính thức trước khi tiến hành công việc kiểm toán nhằm bảo vệ quyền lợi của công ty khách hàng và của công ty kiểm toán… Nếu khách hàng và công ty kiểm toán sử dụng văn bản cam kết thay cho hợp đồng thì văn bản cam kết phải đảm bảo các điều kiện cơ bản của hợp đồng kiểm toán”.

Trước khi đi đến ký kết hợp đồng, công ty kiểm toán sẽ có những trao đổi và thảo luận sơ bộ với khách hàng về một số điều khoản chính trong hợp đồng kiểm toán như:

  • Mục đích và phạm vi kiểm toán.
  • Trách nhiệm Ban Giám đốc công ty khách hàng và kiểm toán viên.
  • Hình thức thông báo kết quả kiểm toán.
  • Thời gian tiến hành cuộc kiểm toán.
  • Căn cứ tính giá phí cuộc kiểm toán và hình thức thanh toán.

2. Thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán

Sau khi kí kết hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên bắt đầu lập kế hoạch kiểm toán tổng quát. Theo đó, kiểm toán viên phải có sự hiểu biết đầy đủ về khách hàng, bao gồm các phương diện:

  • Hiểu biết chung về nền kinh tế như: Thực trạng nền kinh tế, các chính sách của Chính phủ, mức độ lạm phát,….
  • Hiểu biết về môi trường và lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán như: Tình hình thị trường và cạnh tranh, các đặc điểm của ngành nghề kinh doanh,…
  • Nhận diện các bên hữu quan với khách hàng: Các bộ phận trực thuộc, các chủ sở hữu chính thức của công ty, công ty chi nhánh, các mối quan hệ và các cá và nhân tổ chức,…
  • Hiểu biết về những yếu tố nội tại của đơn vị được kiểm toán: Những đặc điểm về sở hữu, quản lý, tình hình kinh doanh, khả năng tài chính,… Với các phương pháp như:

+  Thu thập và nghiên cứu tài liệu về tình hình kinh doanh của khách hàng. Ví dụ như: Điều lệ công ty, giấy phép thành lập, các biên bản, hợp đồng hoặc cam kết quan trọng, các nội quy, chính sách của khách hàng, các văn bản luật, chế độ,…

+  Xem xét lại kết quả của cuộc kiểm toán trước và hồ sơ kiểm toán chung.

+  Tham quan nhà xưởng, kho tàng, cửa hàng, văn phòng làm việc,… của đơn vị.

+  Phỏng vấn cán bộ quản lý, công nhân viên trong đơn vị. Từ đó có đánh giá khách quan về hoạt động kinh doanh.

>> Chỉ 2.000.000đ – Sở hữu ngay công cụ hỗ trợ kế toán ưu việt

3. Phân tích sơ bộ

Thực hiện các thủ tục phân tích đối với các thông tin đã thu thập. Để cung cấp thông tin về bản chất, thời gian và nội dung các thủ tục kiểm toán sẽ được sử dụng. Đối với khoản mục doanh thu, kiểm toán viên sử dụng gồm hai loại phân tích cơ bản:

3.1. Phân tích ngang 

Phân tích dựa trên cơ sở so sánh các trị số của chỉ tiêu doanh thu trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Các chỉ tiêu thường được sử dụng bao gồm:

  • So sánh doanh thu kỳ này với kỳ trước hoặc giữa các kỳ với nhau. => Thấy được những biến động bất thường và xác định được các lĩnh vực cần quan tâm.
  • So sánh doanh thu thực tế với doanh thu dự toán hoặc số liệu ước tính của kiểm toán viên.
  • So sánh doanh thu của công ty khách hàng với doanh thu của các công ty khác. Khi có các đặc điểm tương tự về quy mô, loại hình kinh doanh,…

3.2. Phân tích dọc 

Phân tích dựa trên cơ sở so sánh các tỷ lệ tương quan của các chỉ tiêu và khoản mục khác nhau trên Báo cáo tài chính. Ví dụ: Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu, tỷ lệ chiết khấu hàng bán trên doanh thu, …

Ngoài ra, có thể phân tích mối quan hệ giữa các thông tin tài chính với các thông tin phi tài chính. Ví dụ: Mối quan hệ giữa lượng hàng bán ra với doanh thu, giữa doanh thu với số lượng các mặt hàng mới,…

4. Đánh giá tính trọng yếu và rủi ro kiểm toán

Ở bước này, kiểm toán viên sẽ căn cứ vào các thông tin đã thu thập được để đánh giá, nhận xét. Từ đó đưa ra một kế hoạch kiểm toán phù hợp.

4.1. Đánh giá tính trọng yếu

Trọng yếu là khái niệm về tầm cỡ (hay quy mô) và bản chất của các sai phạm (kể cả bỏ sót) của các thông tin tài chính hoặc là đơn lẻ, hoặc là từng nhóm mà trong bối cảnh cụ thể nếu dựa vào các thông tin này để xét đoán thì không thể chính xác hoặc là sẽ rút ra những kết luận sai lầm.

Từ đó ước tính mức độ sai sót của Báo cáo tài chính có thể chấp nhận được. Xác định phạm vi của cuộc kiểm toán và đánh giá ảnh hưởng của các sai sót lên Báo cáo tài chính. Là cơ sở để xác định bản chất, thời gian và phạm vi thực hiện các khảo sát kiểm toán.

4.2. Đánh giá rủi ro kiểm toán

Theo VSA số 400: “Rủi ro kiểm toán là rủi ro do công ty kiểm toán và kiểm toán viên đưa ra ý kiến nhận xét không thích hợp khi Báo cáo tài chính đã được kiểm toán còn có những sai sót trọng yếu” .  Mức rủi ro này phụ thuộc vào hai yếu tố: Mức độ mà theo đó người sử dụng bên ngoài tin tưởng vào Báo cáo tài chính; Khả năng khách hàng sẽ gặp khó khăn về tài chính sau khi báo cáo kiểm toán công bố.

Ngoài ra, kiểm toán viên cần đánh giá các loại rủi ro kiểm toán sau:

  • Đánh giá rủi ro cố hữu:
    Khả năng các nghiệp vụ hay các khoản mục doanh thu gặp phải sai sót trọng yếu.
  • Đánh giá rủi ro kiểm soát:
    Khả năng xảy ra các sai phạm trọng yếu đối với khoản mục doanh thu do hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị khách hàng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả
  • Đánh giá rủi ro phát hiện:
    Khả năng xảy ra các sai sót hoặc gian lận đối với khoản mục doanh thu mà không được ngăn chặn hay phát hiện bởi hệ thống kiểm soát nội bộ và cũng không được kiểm toán viên phát hiện trong quá trình kiểm toán.

5. Lập kế hoạch kiểm toán toàn diện và soạn thảo chương trình kiểm toán

Với những thông tin đã thu thập được, kiểm toán viên sẽ tiến hành lập kế hoạch kiểm toán. Theo VSA số 300 về “Lập kế hoạch kiểm toán” thì kế hoạch kiểm toán gồm ba bộ phận sau:

5.1. Kế hoạch chiến lược

  • Được lập cho các cuộc kiểm toán lớn quy mô lớn, tính chất phức tạp, địa bàn rộng. Hoặc kiểm toán báo cáo tài chính của nhiều năm.
  • Cần vạch ra mục tiêu, định hướng cơ bản, nội dung trọng tâm, phương pháp tiếp cận và tiến trình của cuộc kiểm toán.

5.2. Kế hoạch kiểm toán tổng thể

  • Dựa trên kế hoạch chiến lược đã lập, kiểm toán viên tiến hành lập kế hoạch kiểm toán tổng thể. Kế hoạch kiểm toán tổng thể phải được lập cho mọi cuộc kiểm toán. Trong đó mô tả phạm vi dự kiến và cách thức tiến hành công việc kiểm toán.
  • Kế hoạch kiểm toán tổng thể phải đầy đủ, chi tiết làm cơ sở để lập chương trình kiểm toán. Những vấn đề chủ yếu phải xem xét và trình bày trong kế hoạch kiểm toán tổng thể gồm:
    Hiểu biết về hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Cụ thể là hiểu biết về hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá rủi ro và mức độ trọng yếu, phối hợp, chỉ đạo, giám sát và kiểm tra,…

5.3. Chương trình kiểm toán

Trên cơ sở kế hoạch kiểm toán tổng thể, kiểm toán viên tiến hành lập chương trình kiểm toán. Chương trình kiểm toán là những dự kiến chi tiết về các công việc kiểm toán cần thực hiện, thời gian hoàn thành và sự phân công lao động giữa các kiểm toán viên cũng như dự kiến về những tư liệu, thông tin liên quan cần sử dụng và thu thập.

Chương trình kiểm toán sẽ được thiết kế thành ba phần:

  • Trắc nghiệm công việc.
  • Trắc nghiệm phân tích.
  • Trắc nghiệm trực tiếp số dư.

Việc thiết kế các loại hình trắc nghiệm kiểm toán trên đều gồm bốn nội dung:

  • Xác định thủ tục kiểm toán.
  • Quy mô mẫu chọn.
  • Khoản mục được chọn.
  • Thời gian thực hiện.

pc

Phần mềm kế toán Kaike

Nền tảng hỗ trợ đắc lực cho Kế toán
& Nhà quản trị

Nền tảng hỗ trợ đắc lực cho Kế toán & Nhà quản trị

check Tiết kiệm 75% thời gian nhập liệu

check Giảm thiếu tối đa sai sót số liệu kế toán

check Cập nhật chế độ kế toán ban hành tự động, nhanh chóng

check Tự động lập báo cáo kế toán và báo cáo quản trị

Các bài viết liên quan:

Một bộ báo cáo tài chính đầy đủ bao gồm những gì?

Năm tài chính là gì? Năm tài chính bắt đầu từ ngày nào?

Báo cáo tài chính là gì? Thông tin cơ bản về báo cáo tài chính

https://kaike.vn/wp-content/themes/home
1538
post
Đăng nhập
x