Biểu mẫu/Quy định

Đăng ký nhận tin ngay

Biểu mẫu/Quy định

Nội dung chuẩn mực kế toán số 04 – tài sản cố định vô hình

01:52 Chiều

-

27/10/2021

Chuẩn mực kế toán số 04 được Bộ tài chính ban hành năm 20021 quy định về các ghi nhận và trình bày các sự kiện kinh tế phát sinh liên quan đến TSCĐ vô hình.

Mục lục

1.  Chuẩn mực kế toán số 04: Tài Sản Cố Định Vô Hình

Chuẩn mực kế toán số 04 quy định:

Tài sản cố định (TSCĐ) vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.

Xem thêm: Chuẩn mực kế toán số 03 – Chuẩn mực kế toán tài sản cố định hữu hình.

Các doanh nghiệp thường đầu tư để có các nguồn lực vô hình, như:

  • Quyền sử dụng đất có thời hạn,
  • Phần mềm máy vi tính,
  • Bằng sáng chế,
  • Bản quyền,
  • Giấy phép khai thác thuỷ sản,
  • Hạn ngạch xuất khẩu,
  • Hạn ngạch nhập khẩu,…

Để xác định đâu là nguồn lực vô hình thỏa mãn định nghĩa TSCĐ vô hình cần phải xem xét các yếu tố:

Sử dụng phần mềm kế toán Kaike Free 

Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia chuyển đổi số kế toán, GMO thực hiện chương trình tặng miễn phí phiên bản Kaike Free

TRẢI NGHIỆM NGAY

Tính có thể xác định được

TSCĐ vô hình phải là tài sản có thể xác định được để có thể phân biệt một cách rõ ràng tài sản đó với lợi thế thương mại. Lợi thế thương mại phát sinh từ việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại được thể hiện bằng một khoản thanh toán do bên đi mua tài sản thực hiện để có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.

Theo Chuẩn mực kế toán số 04, một TSCĐ vô hình có thể xác định riêng biệt khi doanh nghiệp có thể đem TSCĐ vô hình đó: cho thuê, bán, trao đổi hoặc thu được lợi ích kinh tế cụ thể từ tài sản đó trong tương lai.

Khả năng kiểm soát

  • Doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát một tài sản nếu doanh nghiệp có quyền thu lợi ích kinh tế trong tương lai mà tài sản đó đem lại. Đồng thời cũng có khả năng hạn chế sự tiếp cận của các đối tượng khác đối với lợi ích đó.
  • Tri thức về thị trường và hiểu biết chuyên môn có thể mang lại lợi kinh tế trong tương lai. Doanh nghiệp có thể kiểm soát lợi ích đó khi có ràng buộc bằng quyền pháp lý. Ví dụ: Bản quyền, giấy phép khai thác thuỷ sản.
  • Đội ngũ nhân viên lành nghề, thông qua việc đào tạo không được ghi nhận là TSCĐ vô hình. Vì doanh nghiệp có thể xác định được sự nâng cao kiến thức của nhân viên sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Nhưng lại không đủ khả năng kiểm soát lợi ích kinh tế đó.
  • Danh sách khách hàng hoặc thị phần không được ghi nhận là TSCĐ vô hình. Do doanh nghiệp không có quyền pháp lý hoặc biện pháp để bảo vệ hoặc kiểm soát các lợi ích kinh tế từ các mối quan hệ với khách hàng và sự trung thành của họ.

Lợi ích kinh tế trong tương lai

Lợi ích kinh tế trong tương lai mà TSCĐ vô hình đem lại cho doanh nghiệp có thể bao gồm:

Tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, hoặc lợi ích khác xuất phát từ việc sử dụng TSCĐ vô hình.

2.   Ghi nhận và xác định giá trị ban đầu

Một tài sản vô hình được ghi nhận là TSCĐ vô hình phải thỏa mãn đồng thời Định nghĩa về TSCĐ vô hình và 4 tiêu chuẩn ghi nhận sau:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại;
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy;
  • Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm;
  • Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành.

TSCĐ vô hình phải được xác định giá trị ban đầu theo nguyên giá.

XÁC ĐỊNH NGUYÊN GIÁ TSCĐ VÔ HÌNH TRONG TỪNG TRƯỜNG HỢP

Mua TSCĐ vô hình riêng biệt

Nguyên giá TSCĐ = Giá mua – Các khoản được chiết khấu thương mại (hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), chi phí liên quan đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính

Nếu là quyền sử dụng đất được mua cùng với mua nhà cửa, vật kiến trúc trên đất. => Giá trị quyền sử dụng đất phải được xác định riêng biệt và ghi nhận là TSCĐ vô hình.

TSCĐ vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm => Nguyên giá được phản ánh theo giá mua trả ngay tại thời điểm mua.

TSCĐ vô hình hình thành từ việc trao đổi thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị. => Nguyên giá là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn.

Mua TSCĐ vô hình từ việc sáp nhập doanh nghiệp

Nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị hợp lý của tài sản đó vào ngày mua (ngày sáp nhập doanh nghiệp).

Giá trị hợp lý có thể là:

  • Giá niêm yết tại thị trường hoạt động;
  • Giá của nghiệp vụ mua bán TSCĐ vô hình tương tự.

Nếu không có thị trường hoạt động cho tài sản thì nguyên giá của TSCĐ vô hình được xác định bằng khoản tiền mà doanh nghiệp lẽ ra phải trả vào ngày mua tài sản trong điều kiện nghiệp vụ đó được thực hiện trên cơ sở khách quan dựa trên các thông tin tin cậy hiện có.

Khi sáp nhập doanh nghiệp, TSCĐ vô hình được ghi nhận như sau:

  • Bên mua tài sản ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu tài sản đó đáp ứng được định nghĩa về TSCĐ vô hình và tiêu chuẩn ghi nhận đã quy định. Kể cả trường hợp TSCĐ vô hình đó không được ghi nhận trong báo cáo tài chính của bên bán tài sản;
  • Nếu TSCĐ vô hình được mua thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại, nhưng không thể xác định được nguyên giá một cách đáng tin cậy thì tài sản đó không được ghi nhận là một TSCĐ vô hình riêng biệt, mà được hạch toán vào lợi thế thương mại.

Khi không có thị trường hoạt động cho TSCĐ vô hình được mua thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại, thì nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị mà tại đó nó không tạo ra lợi thế thương mại có giá trị âm phát sinh vào ngày sáp nhập doanh nghiệp.

TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất có thời hạn

Nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất có thời hạn khi được giao đất hoặc số tiền trả khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác, hoặc giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn liên doanh.

Trường hợp quyền sử dụng đất được chuyển nhượng cùng với mua nhà cửa, vật kiến trúc trên đất thì giá trị của nhà cửa, vật kiến trúc phải được xác định riêng biệt và ghi nhận là TSCĐ hữu hình.

TSCĐ vô hình được nhà nước cấp hoặc được tặng, biếu

Nguyên giá = Giá trị hợp lý ban đầu + Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi

TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình không tương tự hoặc tài sản khác:

Nguyên giá được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ vô hình nhận về hoặc bằng với giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về.

Nguyên giá TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong cả hai trường hợp không có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ vô hình nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đem trao đổi.

Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản.

Chi phí phát sinh để tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng không hình thành TSCĐ vô hình vì không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận trong chuẩn mực này, mà tạo nên lợi thế thương mại từ nội bộ doanh nghiệp. Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản vì nó không phải là nguồn lực có thể xác định, không đánh giá được một cách đáng tin cậy và doanh nghiệp không kiểm soát được.

TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

Để đánh giá một tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp được ghi nhận vào ngày phát sinh nghiệp vụ đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình, doanh nghiệp phải phân chia quá trình hình thành tài sản theo:

  • Giai đoạn nghiên cứu; và
  • Giai đoạn triển khai.

Nếu doanh nghiệp không thể phân biệt được 2 giai đoạn này của một dự án nội bộ để tạo ra TSCĐ vô hình, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ toàn bộ chi phí phát sinh liên quan đến dự án đó.

Giai đoạn nghiên cứu

Toàn bộ chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu không được ghi nhận là TSCĐ vô hình mà được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

Giai đoạn triển khai

Tài sản vô hình tạo ra trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu thỏa mãn 7 điều kiện sau:

  • Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;
  • Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;
  • Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;
  • Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;
  • Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;
  • Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;
  • Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho TSCĐ vô hình.

Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

Là toàn bộ chi phí phát sinh từ thời điểm mà tài sản vô hình đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình đến khi chúng được đưa vào sử dụng.

Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp bao gồm:

  • Chi phí nguyên liệu, vật liệu hoặc dịch vụ đã sử dụng trong việc tạo ra TSCĐ vô hình;
  • Tiền lương, tiền công và các chi phí khác liên quan đến việc thuê nhân viên trực tiếp tham gia vào việc tạo ra tài sản đó;
  • Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc tạo ra tài sản, như chi phí đăng ký quyền pháp lý, khấu hao bằng sáng chế phát minh và giấy phép được sử dụng để tạo ra tài sản đó;
  • Chi phí sản xuất chung được phân bổ theo tiêu thức hợp lý và nhất quán vào tài sản (Ví dụ: phân bổ khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị, phí bảo hiểm, tiền thuê nhà xưởng, thiết bị).

Các chi phí không được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp:

  • Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chí phí sản xuất chung không liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng;
  • Các chi phí không hợp lý như: nguyên liệu, vật liệu lãng phí, chi phí lao động, các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường;
  • Chi phí đào tạo nhân viên để vận hành tài sản.

3.   Chuẩn mực kế toán số 04: Ghi nhận chi phí

Chi phí liên quan đến tài sản vô hình phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc chi phí trả trước, trừ trường hợp:

  • Chi phí hình thành một phần nguyên giá TSCĐ vô hình và thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.
  • Tài sản vô hình hình thành trong quá trình sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại nhưng không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình thì những chi phí đó (nằm trong chi phí mua tài sản) hình thành một bộ phận của lợi thế thương mại (kể cả trường hợp lợi thế thương mại có giá trị âm) vào ngày quyết định sáp nhập doanh nghiệp.

Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp nhưng không được ghi nhận là TSCĐ vô hình thì được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ các trường hợp phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp gồm:

Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên và chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm.

4.  Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu

Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.  Trừ khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện sau thì được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình:

  • Chi phí này có khả năng làm cho TSCĐ vô hình tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhiều hơn mức hoạt động được đánh giá ban đầu;
  • Chi phí được đánh giá một cách chắc chắn và gắn liền với một TSCĐ vô hình cụ thể.

Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi các chi phí này gắn liền với một TSCĐ vô hình cụ thể và làm tăng lợi ích kinh tế từ các tài sản này.

Chi phí phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự về bản chất (kể cả trường hợp mua từ bên ngoài hoặc tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp) luôn được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

5.   Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

Sau khi ghi nhận ban đầu, trong quá trình sử dụng, TSCĐ vô hình được xác định theo nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại.

6.   Thời gian tính khấu hao

Giá trị phải khấu hao của TSCĐ vô hình được phân bổ một cách có hệ thống trong suốt thời gian sử dụng hữu ích ước tính hợp lý của nó. Thời gian tính khấu hao của TSCĐ vô hình tối đa là 20 năm. Việc trích khấu hao được bắt đầu từ khi đưa TSCĐ vô hình vào sử dụng.

Xác định thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình làm căn cứ tính khấu hao cần phải xem xét các yếu tố sau:

  • Khả năng sử dụng dự tính của tài sản;
  • Vòng đời của sản phẩm và các thông tin chung về các ước tính liên quan đến thời gian sử dụng hữu ích của các loại tài sản giống nhau được sử dụng trong điều kiện tương tự;
  • Sự lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ;
  • Tính ổn định của ngành sử dụng tài sản đó và sự thay đổi về nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm hoặc việc cung cấp dịch vụ mà tài sản đó đem lại;
  • Hoạt động dự tính của các đối thủ cạnh tranh hiện tại hoặc tiềm tàng;
  • Mức chi phí cần thiết để duy trì, bảo dưỡng;
  • Thời gian kiểm soát tài sản, những hạn chế về mặt pháp lý và những hạn chế khác về quá trình sử dụng tài sản;
  • Sự phụ thuộc thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình với các tài sản khác trong doanh nghiệp.

Trường hợp thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình vượt quá 20 năm

Trường hợp thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình vượt quá 20 năm khi có những bằng chứng tin cậy, nhưng phải xác định được cụ thể. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải:

  • Khấu hao TSCĐ vô hình theo thời gian sử dụng hữu ích ước tính chính xác nhất; và
  • Trình bày các lý do ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản trên báo cáo tài chính.

Nếu việc kiểm soát đối với các lợi ích kinh tế trong tương lai từ TSCĐ vô hình đạt được bằng quyền pháp lý được cấp trong một khoảng thời gian xác định thì thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình không vượt quá thời gian có hiệu lực của quyền pháp lý, trừ khi quyền pháp lý được gia hạn.

7.   Phương pháp khấu hao TSCĐ

Phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình được sử dụng phải phản ánh cách thức thu hồi lợi ích kinh tế từ tài sản đó của doanh nghiệp. Phương pháp khấu hao được sử dụng cho từng TSCĐ vô hình được áp dụng thống nhất qua nhiều thời kỳ và có thể được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của doanh nghiệp.

Chi phí khấu hao cho từng thời kỳ phải được ghi nhận là chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ khi chi phí đó được tính vào giá trị của tài sản khác.

Có 3 phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình, gồm:

  • Phương pháp khấu hao đường thẳng. Số khấu hao hàng năm sẽ không đổi trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình.
  • Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần. Số khấu hao hàng năm sẽ giảm dần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
  • Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm. Dựa trên tổng số đơn vị sản phẩm ước tính tài sản có thể tạo ra.

8.   Phương pháp khấu hao

TSCĐ vô hình có giá trị thanh lý khi:

  • Có bên thứ ba thỏa thuận mua lại tài sản đó vào cuối thời gian sử dụng hữu ích của tài sản; hoặc
  • Có thị trường hoạt động vào cuối thời gian sử dụng hữu ích của tài sản và giá trị thanh lý có thể được xác định thông qua giá thị trường.

Khi không có một trong hai điều kiện nói trên thì giá trị thanh lý của TSCĐ vô hình được xác định bằng không

Giá trị phải khấu hao = Nguyên giá – Giá trị thanh lý ước tính của tài sản.

Giá trị thanh lý được ước tính khi TSCĐ vô hình được hình thành đưa vào sử dụng bằng cách dựa trên giá bán phổ biến ở cuối thời gian sử dụng hữu ích ước tính của một tài sản tương tự và đã hoạt động trong các điều kiện tương tự. Giá trị thanh lý ước tính không tăng lên khi có thay đổi về giá cả hoặc giá trị.

9.   Xem xét lại thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao

Thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình phải được xem xét lại ít nhất là vào cuối mỗi năm tài chính.  Nếu thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản khác biệt lớn so với các ước tính trước đó thì thời gian khấu hao phải được thay đổi tương ứng. Phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình được thay đổi khi có thay đổi đáng kể cách thức ước tính thu hồi lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Trường hợp này, phải điều chỉnh chi phí khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo, và được thuyết minh trong báo cáo tài chính.

Trong suốt thời gian sử dụng TSCĐ vô hình, khi xét thấy việc ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản không còn phù hợp thì thời gian khấu hao cần phải thay đổi.

Trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình, có thể thay đổi cách thức ước tính về lợi ích kinh tế trong tương lai mà doanh nghiệp dự tính thu được, do đó có thể thay đổi phương pháp khấu hao.

Ví dụ: Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần phù hợp hơn phương pháp khấu hao đường thẳng.

10.   Nhượng bán và thanh lý TSCĐ vô hình

TSCĐ vô hình được ghi giảm khi thanh lý, nhượng bán hoặc khi xét thấy không thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tiếp sau.

Lãi hay lỗ phát sinh do thanh lý, nhượng bán TSCĐ vô hình được xác định bằng số chênh lệch giữa thu nhập với chi phí thanh lý, nhượng bán cộng (+) giá trị còn lại của TSCĐ vô hình.

Số lãi, lỗ này được ghi nhận là một khoản thu nhập hoặc chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.

11.   Chuẩn mực kế toán 4: Trình bày báo cáo tài chính

Thông tin về TSCĐ vô hình trên báo cáo tài chính

Doanh nghiệp phải trình bày theo từng loại TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp và TSCĐ vô hình được hình thành từ các nguồn khác, gồm những thông tin sau:

(a) Phương pháp xác định nguyên giá TSCĐ vô hình;

(b) Phương pháp khấu hao; Thời gian sử dụng hữu ích hoặc tỷ lệ khấu hao;

(c) Nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại vào đầu năm và cuối kỳ;

(d) Bản Thuyết minh báo cáo tài chính (Phần TSCĐ vô hình) phải trình bày các thông tin:

  • Nguyên giá TSCĐ vô hình tăng, trong đó giá trị TSCĐ tăng từ hoạt động trong giai đoạn triển khai hoặc do sáp nhập doanh nghiệp;
  • Nguyên giá TSCĐ vô hình giảm;
  • Số khấu hao trong kỳ, tăng, giảm và luỹ kế đến cuối kỳ;
  • Lý do khi một TSCĐ vô hình được khấu hao trên 20 năm;
  • Nguyên giá, số khấu hao luỹ kế, giá trị còn lại và thời gian khấu hao còn lại của từng TSCĐ vô hình có vị trí quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của doanh nghiệp;
  • Giá trị hợp lý của TSCĐ vô hình do Nhà nước cấp, trong đó ghi rõ: Giá trị hợp lý khi ghi nhận ban đầu; Giá trị khấu hao luỹ kế; Giá trị còn lại của tài sản.
  • Giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đã dùng để thế chấp cho các khoản nợ phải trả;
  • Các cam kết về mua, bán TSCĐ vô hình có giá trị lớn trong tương lai.
  • Giá trị còn lại của TSCĐ vô hình tạm thời không sử dụng;
  • Nguyên giá TSCĐ vô hình đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng;
  • Giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đang chờ thanh lý.
  • Giải trình khoản chi phí trong giai đoạn nghiên cứu và chi phí trong giai đoạn triển khai đã được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
  • Các thay đổi khác về TSCĐ vô hình.

Phân loại nhóm tài sản

Kế toán TSCĐ vô hình được phân loại theo nhóm tài sản có cùng tính chất và mục đích sử dụng trong các hoạt động của doanh nghiệp, gồm:

  • Quyền sử dụng đất có thời hạn;
  • Nhãn hiệu hàng hóa;
  • Quyền phát hành;
  • Phần mềm máy vi tính;
  • Giấy phép và giấy phép nhượng quyền;
  • Bản quyền, bằng sáng chế;
  • Công thức và cách thức pha chế, kiểu mẫu, thiết kế và vật mẫu;
  • TSCĐ vô hình đang triển khai.

Nội dung của chuẩn mực kế toán số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Sử dụng phần mềm kế toán Kaike Free 

Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia chuyển đổi số kế toán, GMO thực hiện chương trình tặng miễn phí phiên bản Kaike Free

TRẢI NGHIỆM NGAY
https://kaike.vn/wp-content/themes/home
1656
post
Đăng nhập
x